Tổ chức không gian kiến trúc chùa Việt đương đại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ

Kiến trúc Thuận Thành

Tổ chức không gian kiến trúc chùa Việt đương đại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ

25 Tháng Mười Hai, 2017 Tin tức 0

 Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét truyền thống, đặc trưng riêng và nét   đặc trưng đó thể hiện thông qua yếu tố cấu thành nên bản sắc dân tộc, trong đó có  hoạt động kiến trúc và quy hoạch.

Trong lịch sử kiến trúc truyền thống Việt Nam thì chưa từng có một di sản văn  hóa nào có giá trị lịch sử, nghệ thuật phong phú như Chùa. Một loại hình kiến trúc thuần Việt, đậm đà bản sắc và có giá trị nghệ thuật độc đáo, không lặp lại

Chùa là một biểu tượng văn hóa làng; cùng với cây đa bến nước, đã đi vào tâm thức dân gian của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt và đọng lại trong họ như một giá trị văn hóa sâu lắng không thể phai mờ.

Đồng bằng Bắc bộ là địa bàn xuất phát của tộc Việt, vì vậy nơi đây còn lưu giữ được tính chất thuần tuý của văn hoá Việt Nam. Đây chính là nơi Phật giáo được truyền lần đầu tiên vào nước ta với trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã  phát triển rực rỡ trong nhiều thế kỷ.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa luôn đồng hành cùng đời sống văn hoá và tâm linh của cộng đồng cư dân người Việt ở Bắc bộ.

Chùa là nơi để người dân gặp gỡ, cầu nguyện, để sinh hoạt hội hè. Đối với phần đông cư dân đồng bằng Bắc bộ, cuộc đời của họ bắt đầu bằng tiếng chuông chùa và kết thúc bằng những lời kinh giải thoát của đạo Phật.

Lịch sử và hiện tại đã chứng minh rằng, vị trí của những ngôi chùa đối với cư dân đồng bằng Bắc bộ thật là thiêng liêng và gần gũi. Trong tương lai, ngôi chùa vẫn luôn là yếu tố quan trọng và cần thiết đối với đời sống của người dân nơi đây.

Ngày nay, các đặc trưng văn hóa nghệ thuật ấy đang mất dần. Chùa Việt  cũng không nằm ngoài quy luật chung của xã hội. Những ngôi chùa đang mất dần đi giá trị kiến trúc và văn hóa. Vị thế của những ngôi chùa trong lòng những người trẻ cũng đang dần mờ nhạt. Không gian kiến trúc chùa cũng bị lai tạp, biến đổi.

Tìm hiểu về kiến trúc Chùa Việt, vì thế là một việc làm hết sức có ý nghĩa, nó góp phần vào việc nhìn nhận hệ thống giá trị văn hóa, kiến trúc cổ truyền, đồng thời làm dữ liệu để có thể phổ biến cho các thế hệ mai sau để hiểu và nắm về giá trị văn hóa, giá trị kiến trúc Chùa, và đề xuất được các giải pháp để bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích. Đó chính là lý do để tôi chọn đề tài nghiên cứu “ Tổ chức không gian kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ trong giai đoạn mới”.

Sau đây là phần Phân tích, đánh giá hiện trạng sự hình hành và phát triển; những đặc điểm của kiến trúc Chùa Bắc Bộ; các điều tự nhiên, kinh tế xã hội và văn hoá ảnh hưởng đến kiến trúc Chùa để nhận biết và đánh giá được những giá trị và đặc điểm của kiến trúc Chùa và đề xuất những phương pháp bảo tồn, nguyên tắc bảo tồn, hướng tổ chức không gian kiến trúc.

Thực trạng xây dựng chùa Việt trong giai đoạn mới và những thách thức của kiến trúc chùa Việt đương đại
  • Sự đối mặt với nạn xâm phạm không gian và thực trạng công tác tu bổ các kiến trúc chùa Việt cổ.

Những ngôi chùa cổ đã làm tăng thêm quỹ di sản cho các thành phố hiện đại ở Việt nam. Ngày nay những di sản ấy không chỉ bị “lãng quên” mà còn “được” tận dụng triệt để, bị xâm cư. Hiện nay có rất nhiều ngôi đình “ngẫu nhiên” trở thành nơi ở của các hộ dân sống chen chúc. Nạn xâm phạm không gian di tích lịch sử cũng với sự thiếu hiểu biết đã dẫn đến tình trạng di sản vẫn tồn tại ở đó nhưng dường như bị tách hẳn khỏi cuộc sống đương đại.  Việc trùng tu, tôn tạo di tích là một vấn đề không đơn giản bởi đây là lĩnh vực đa ngành. Nó không chỉ liên quan đến những yếu tố thẩm mỹ, kỹ thuật mà còn phải phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và những giá trị truyền thống. Công tác “tu bổ” chùa Trăm Gian là một minh chứng điển hình cho việc làm hỏng di tích. Sau khi tu bổ, chùa mang một “dáng vẻ” hoàn toàn mới. Những kết cấu gỗ và hệ mái cũ không còn. Những chân cột trụ, kèo gỗ với hoa văn tinh xảo, đặc trưng cũng bị thay thế bởi hoa văn lạ lẫm. Rất nhiều chi tiết mảnh gỗ, cột trụ, ngói cũ sau khi dỡ bỏ đã không được gìn giữ với đúng giá trị của một di tích quý giá hàng ngàn năm tuổi. Tranh tượng quý được sơn lại bằng sơn công nghiệp, bệ tượng, bàn thờ được làm mới bằng ximăng, gạch ốm lát xanh đỏ tím vàng, các dãy hành lang xây mới với cột kèo được đánh bóng bằng vécni. Đặc biệt nghiêm trọng là đợt trùng tu nhà Tổ, gác khánh, mọi dấu tích đã bị dỡ bỏ “không thương tiếc” để xây dựng “di tích mới”.

Qua đó có thể thấy rằng, người ta trùng tu bằng cách nỗ lực “làm mới” nhiều hạng mục mà không hay biết rằng làm như vậy là đã “xóa sổ” di tích.

  • Xu hướng phát triển, xây dựng Chùa mới với quy mô lớn – trường hợp Chùa Bái Đính, Trúc lâm yên t…)

Ngày nay Đạo Phật ngày cascng phát triển và việc phát triển xây dụng chùa mới đang là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt ở khu vực Bắc bộ.  Do thực trạng thiếu đất,  Phật tử và khách thập phương lại đông nên trong việc xây dựng chùa mới, người ta buộc phải sử dụng vật liệu bê tông cốt thép nhằm xây dựng chùa mới vừa cao (nhiều chùa cao đến 3 tầng lầu) vừa rộng (mỗi tầng có thể chứa vài ba ngàn người). Kiến trúc chùa xưa chỉ có tầng trệt, hài hoà với chiều cao của cây gỗ Việt Nam, tỷ lệ với chiều cao của cột gỗ, ngôi chánh điện chùa không rộng lắm. Những ngôi chùa mới Việt Nam phải mở rộng cả chiều ngang và chiều cao mới thoả mãn được phần nào yêu cầu sinh hoạt tâm linh của người Việt Nam hiện nay. Những ngôi chùa được xây dựng hoành tráng phải kể đến chùa Bái Đính (Ninh Bình), Ba Vàng ( Quảng ninh) Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã, Trúc Lâm Đà Lạt…

Chùa Việt Nam đẹp nhờ nó hài hoà với cảnh quan thiên nhiên và vườn chùa. Do tình hình đô thị hoá diễn ra quá dữ dội, không còn  đất cho các yếu tố vườn chùa, cảnh quan thiên nhiên. Do đó, ngoài  một số chùa xa đô thị như Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Trúc Lâm Bạch Mã (Phú Lộc TTH), đền Huyền Trân (Huế) phần lớn các ngôi chùa xây chen chúc trong các khu đô thị chật hẹp không có vườn chùa, không có bầu không khí tĩnh mịch của chùa Việt Nam truyền thống. Một số nơi, còn lập chùa mới gần cạnh chùa cổ không những không tạo ta được một kiến trúc chùa mới có giá trị mà còn phá vỡ cả cảnh quan của ngôi chùa truyền thống.

Hình 1.9: Chùa Ba vàng ( nguồn: Internet )

Chùa Ba Vàng,  một trong những công trình xây mới hoành tráng

Công tác quản lý và Tư vấn xây dựng chùa có nhiều bất cập

Việc các di tích xuống cấp nghiêm trọng hay bị xâm lấn không gian và trùng tu sai nguyên tắc là trách nhiệm thuộc về nhiều phía. Sự buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương cũng như ý thức trách nhiệm của người dân còn yếu kém là một lỗi không nhỏ. Các địa phương gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thiếu vắng đội ngũ chuyên nghiệp trong công tác quản lý và thực thi bảo tồn đã khiến việc trùng tu bị gián đoạn, không liên tục. Như vậy, việc xây dựng và thực hiện những chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành bảo tồn, điều chỉnh, bổ sung vào hệ thống văn bản pháp luật về trùng tu di tích cũng như quy định và cơ chế đặc thù phù hợp với chuyên ngành là những ưu tiên đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó cần phải công bố rộng rãi thông tin về các dự án trùng tu trước khi thực hiện và có biện pháp cần thiết để xử lý những trường hợp vi phạm, xâm hại di tích… Làm tốt được những điều đó thì mới có thể đảm bảo và nâng cao chất lượng bảo tồn, trùng tu di tích, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững của văn hóa – xã hội và nền kinh tế đất nước.

  • Thực trạng bê-tông hóa các ngôi chùa mới hiện nay

Tình trạng bê-tông hóa chùa chiền diễn ra phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Có ba hướng bê-tông hóa thường thấy:

  • bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa mới;
  • bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa cũ (cổ)
  • và bê-tông hóa một phần ngôi chùa cũ (cổ).

Trường hợp bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa mới, điển hình nhất là chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Vì cả hai ngôi chùa đều được đặt tên theo những danh lam cổ tự nổi tiếng của địa phương nên người dân thường gọi một cách dân dã là chùa Bái Đính mới và chùa Linh Ứng 3 để phân biệt với chùa Bái Đính cổ trên đỉnh núi Đính cũng như hai chùa mang tên Linh Ứng, một tọa lạc trên núi Non Nước Ngũ Hành Sơn và một tọa lạc trên núi Chúa Bà Nà.

Chùa Bái Đính mới đã trở thành khu tâm linh lớn nhất Việt Nam và giữ nhiều kỷ lục như: chùa lớn nhất Đông Nam Á; chùa có tượng Phật dát vàng lớn và hành lang dài nhất châu Á… Với địa thế khá đẹp và lối kiến trúc mới hoành tráng, hàng năm du khách thập phương hành hương về chùa Bái Đính mới rất đông, điều đó đồng nghĩa với việc chúng đã trở thành điểm sáng tâm linh mới của thời đại mở cửa và hội nhập.

Trường hợp bê-tông hóa hoàn toàn một ngôi chùa cũ (cổ). Tại nhiều làng quê Việt Nam hiện nay, những ngôi chùa làng rêu phong cổ kính đang dần thay hình đổi dạng. Từ chỗ có quy mô vừa và nhỏ, nhiều bộ phận được kết cấu bằng hệ thống gỗ truyền thống độc đáo nay mái chùa bề thế vươn cao hơn choáng ngợp cả không gian cây cối. Tất cả phần gỗ trong kiến trúc được đúc bê-tông và sơn vẽ giả gỗ. Mái chùa cũng được đổ bê-tông và lợp ngói công nghiệp đỏ tươi. Nhiều công trình phụ như am miếu quanh chùa vốn nép mình dưới tán đa, tán si cổ thụ thâm nghiêm cũng bị phá đi và chuyển đến vị trí mới. Nền chùa nếu không được lát gạch hoa thì cũng đổ trạt xi-măng, còn tường thì được quét vôi ve hoặc lăn sơn nhiều màu sắc hiện đại. Với lối kiến trúc mới như vậy, dường như không gian thờ cúng thâm nghiêm của ngôi chùa đã bị triệt tiêu hoàn toàn, cho nên khi bước vào không gian đó ta có cảm giác trống trải và lạnh lẽo.

Trường hợp bê-tông hóa một phần ngôi chùa cũ (cổ). Trên phạm vi cả nước có rất nhiều ngôi chùa được xây dựng bổ sung thêm các hạng mục mới mà phổ biến là hệ thống bảo tháp vốn là biểu tượng Phật giáo. Ví dụ như chùa Từ Đàm (Huế), ngay cổng tam quan bảo tháp được xây dựng đối xứng với cội bồ-đề do Đại đức Narada người Tích Lan trồng tặng. Hay chùa Tiên Hương (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) xây dựng thêm một bảo tháp có chiều cao lên đến vài chục mét, từ rất xa cũng có thể nhìn thấy đỉnh tháp này…. Việc xây dựng thêm bảo tháp nếu hài hòa và ăn khớp với kiến trúc chùa cũ sẽ có ý nghĩa góp phần hoằng dương đạo pháp, ngược lại nếu tháp quá to lớn và đồ sộ sẽ dẫn đến sự lạc lõng, xa lạ đối với chính tổng thể kiến trúc của cảnh chùa.

Cơ hội và thách thức của Chùa đương đại

Cơ hội:

  • Sự bề thế, hoành tráng trước hết đáp ứng các yêu cầu về công năng sử dụng, sau đó là niềm tự hào của địa phương như trường hợp chùa Linh Ứng 3 tại Đà Nẵng hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Các công trình này tuy đồ sộ song vẫn hài hòa với thiên nhiên, tựa vào hình sông thế núi rất hợp lý tạo nên không gian thiền tráng lệ.
  • Cơ hội thứ hai là sự mở rộng không gian thờ cúng, hành lễ sẽ tạo điều kiện đón tiếp Phật tử muôn phương hành hương về lễ Phật. Chùa Từ Đàm Huế, với không gian chật hẹp đã không thể tiến hành các khóa lễ lớn. Nhưng từ khi chùa được quy hoạch, xây dựng mới đã tổ chức được rất nhiều đại lễ lớn của Phật giáo,
  • Cơ hội thứ ba đó là việc thay thế vật liệu gỗ bằng bê-tông cốt thép trong xây dựng chùa chiền sẽ góp phần làm giảm nguy cơ chặt phá rừng đầu nguồn vốn là vấn nạn hiện nay.Bên cạnh rất nhiều cái được thì cũng không hiếm cái mất.

Thách thức

  • Thách thức đầu tiên là sự mai một kiểu kiến trúc, kết cấu gỗ truyền thống từ kiểu dáng đến kỹ thuật mộng, mẹo kết nối các chi tiết gỗ. Một ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi bị tu sửa bị phá đi nhiều hạng mục kiến trúc kết cấu gỗ độc đáo như trường hợp chùa Trăm Gian là đồng nghĩa với sự phá hoại di sản .
  • Thách thức thư hai là không gian linh thiêng trong thờ cúng đã bị trần tục hóa rất nhiều. So với một điện thờ Phật trong các ngôi chùa gỗ truyền thống thì điện thờ trong các ngôi chùa mới thường quá sáng. Không gian thờ cúng như vậy tạo ra cảm giác trống trải và lạnh lẽo.
  • Thách thức thứ ba, đó là các công trình càng bề thế bao nhiêu thì càng làm mất đi vẻ khiêm nhường vốn là đặc điểm của kiến trúc chùa Việt

Quan điểm

– Chùa ở Đồng bằng bắc bộ có giá trị rất lớn đối với đời sống người dân Việt Nam. Việc đề cao và phát huy những giá trị đó gắn liền với công tác giữ gìn và bảo tồn. Do các di tích chùa hiện nay đã bị hư hại và xâm lấn nhiều nên trong công tác bảo tồn cần xử lý một cách khéo léo để bảo tồn các giá trị còn lại, khai thác các yếu tố lịch sử, cảnh quan không gian nhằm đáp ứng các hoạt động du lịch về văn hóa, lễ hội theo định hướng chung của thành phố. Sự quan tâm đầu tư cho vấn đề tôn tạo phải xứng đáng với giá trị văn hóa lịch sử.

– Chùa như một di sản văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa là bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản. Công trình phải “sống” trong cuộc sống đương đại . Đối với những di tích còn giữ nguyên giá trị truyền thống cần khai thác có chọn lọc có định hướng: Đối với những ngôi chùa có đủ điều kiện để bảo tồn tôn tạo, cần phải tìm hiểu, đánh giá, phân tích, tránh gây lãng phí mất thời gian.

– Bên cạnh việc bảo tồn và tôn tạo, cần đề xuất một giải pháp tổng thể cho toàn bộ khu vực di tích theo quan điểm phát triển đồng thời 3 khu vực: Khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực hoạt động kinh tế. Ba khu vực này cùng song song tồn tại và hoạt động bổ trợ lẫn nhau:  Bảo tồn di tích để khai thách, phát triển kinh tế, trong đó kinh tế du lịch đóng vai trò quan trọng,  là cơ sở, nguồn lực để bảo tồn. Đó chính là mô hình hướng tới sự phát triển bền vững.

-Bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc chùa ở Đồng bằng Bắc bộ cần phải được tiến hành dưới nhiều góc độ khác nhau dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Đối với những công trình còn giữ lại toàn bộ hoặc một phần giá trị truyền thống , cần tôn tạo giữ nguyên giá trị truyền thống đó . Việc xây mới cần  phải nghiên cứu để không ảnh hưởng tới chùa cũ,   phù hợp với kiến trúc và cảnh quan truyền thống, đồng thời khai thác một cách thận trọng để phục vụ các hoạt động tôn giáo, lễ hội của đời sống đương đại. Đối với những ngôi chùa được xây mới hoàn toàn, cần xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền dựa trên hiện trạng khu đất đồng thời kết hợp với nhu cầu công năng của hoạt động tôn giáo ngày nay theo hướng hài hòa về mặt  tỷ lệ xây dựng và cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước .

– Trong công tác quản lý, cần tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản và những người kinh doanh du lịch nhằm làm họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo tồn trong khai thác phát triển. Cần nhận thức cho cộng đồng tính chất mỏng manh dễ hỏng của các tổng thể di sản, các sưu tập, các văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho những di sản đó.

Nguyên tắc

– Nguyên tắc chung: Dù là bảo tồn hay xây dựng mới thì công tác khảo sát nghiên cứu trước khi xây dựng là hết sức quan trọng. Việc khảo sát phải được xem xét mọi mặt, từ quy hoạch, cảnh quan tới kiến trúc công trình. Việc xác định quy mô cần phải được nghiên cứu tính toán cho phù hợp.

– Nguyên tắc Bảo tồn công trình cũ : Bảo tồn tối đa giá trị nguyên trạng của di tích bằng việc bổ sung các kết cấu lắp ghép, tăng cương chịu lực cho phần bị hư hỏng xuống cấp. Các chi tiết tu bổ không làm hỏng các giá trị nguyên trạng. Việc xây dựng bổ sung các kiến trúc mới trên khuôn viên chùa cũ phải hết sức thận trọng trong sự cân nhắc : tỷ lệ kiến trúc và sự hài hòa với cảnh quan.

–  Đối với loại hình chùa còn nhiều giá trị gốc, tôn trọng nguyên tắc bảo tồn tối đa các thành phần gốc và giá trị chân xác của di tích, được xây mới với hình thức theo cái cũ, không bổ sung những cấu kiện lai căng không phù hợp.

– Đối với loại hình chùa còn một vài giá trị gốc, tôn trọng nguyên tắc bảo tồn tối đa đối với các giá trị gốc và giá trị chân xác của di tích còn lại, có thể bổ sung thêm một số hạng mục nhằm phát huy giá trị di tích. Xây dựng công trình theo đúng hình thức kiến trúc sẵn có và quy mô phù hợp với nhu cầu công năng hiện nay, đồng thời phải phù hợp với cảnh quan, dành nhiều không gian cây xanh lẫn mặt nước.

– Nguyên tắc Xây dựng công trình mới : Trên nguyên tắc tôn trọng các thức cổ, truyền thống của kiến trúc chùa Việt, tôn trọng tính mực thước, hệ tỷ lệ của chùa Việt. Việc sử dụng các vật liệu và kết cấu mới cho phép tạo sự vững chắc và bền vững nhưng không làm ảnh hưởng tới hình ảnh ngôi chùa Việt truyền thống.

–  Đối với loại hình chùa xây mới hoàn toàn trên khu đất trống.

– Đối với các chùa (xây mới, lai căng, phế tích…) hoặc chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa thì việc bảo tồn chỉ tập trung vào bảo tồn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử; việc bảo tồn, trùng tu các di tích này phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn kinh phí của địa phương. Chùa xây mới hoàn toàn cần xây dựng theo kiến trúc chùa truyền thống phù hợp với quy mô diện tích khu đất cũng như nhu cầu công năng hiện nay.

Đề xuất giải pháp Quy hoạch kiến trúc chùa Việt đương đại ở đồng bằng Bắc bộ.

Đề xuất giải pháp phục dựng chùa Hòa Bình Thượng – Tân Tiến- Hưng Yên. ( Trường hợp xây mới toàn bộ dựa trên khu đất lịch sử di tích.)

Chùa Hòa Bình Thượng  được xây dựng theo hình chữ đinh gồm nhà tiền đường và nhà mẫu. Qua quá trình sử dụng quá lâu nên  nhà tiền đường đã có sự xuống cấp nghiêm trọng về (nền ,cột, kèo , cột trốn và mái ) theo mong nguyện của nhân dân cần xây mới để đảm bảo an toàn người dân.

Tổng diện tích khu đất xây dựng: 1200m2

Diện tích sàn xây dựng: 600m2

Giải pháp kiến trúc đề xuất :

– Do hiện trạng cũ nát và gỗ mục rỗng nên giải pháp kiến trúc là xây mới bằng bê tông cốt thép, rui gỗ, mái lợp ngói. Giữ nguyênchi tiết hoa văn cũ.

– Toàn bộ hệ thống khung vì nhà được làm bằng bê tông cốt thép lăn sơn giả màu gỗ. – – Nền lát gạch cotto Hạ Long 300x300x5, kiểu mạch chữ công rộng 1cm.

–  Hệ thống cửa bức bàn thượng song hạ bản bằng gỗ Lim Nam Phi.

– Các cấu kiện được làm bằng bê tông cốt thép giả gỗ ( hoành, bộ vì…).  Các cấu kiện này được đổ sẵn sau đó đưa lên lắp ghép với bộ khung đổ sẵn tại chỗ

 

Ý nghĩa và hiệu quả của giải pháp đề xuất :

– Việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích chùa Hòa Bình Thượng là một nhiệm vụ cấp thiết, nó có đầy đủ các yếu tố khả thi và có hiệu quả tốt về kinh tế, văn hóa, xã hội. Công trình trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức văn minh, có tính giáo dục cao.

– Giải pháp đề xuất mang tính khả thi với các  kinh nghiệm về trùng tu di tích, kinh nghiệm áp dụng các kỹ thuật hiện đại như: bảo quản chống mối, mốc, rêu, bảo quản chống thấm ẩm, có nhiều nghiên cứu về kỹ thuật bảo quản tu bổ và phục hồi như: sơn son thếp vàng, mộc nề truyền thống…

– Thực hiện dự án là một bước quan trọng trong công tác  chỉnh trang, bảo tồn di tích. Nó có tác dụng giáo dục truyền thống dân tộc; uống nước nhớ nguồn, và lòng thương dân, yêu nước. Mặt khác, Dự án thành công còn lưu giữ được một công trình kiến trúc truyền thống, cùng với các hoạt động văn hóa cổ được lưu truyền đến con cháu muôn đời sau. Cũng là tạo ra một điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch, tạo nguồn thu từ dịch vụ cho địa phương. Đó là hiệu quả kinh tế – xã hội rõ rệt của dự án.

Áp dụng đối với công trình cụ thể ở quy mô lớn: Biện pháp cải tạo và xây thêm hạng múc mới. chùa Cổ Pháp- thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Tổng diện tích đất: 8000m2

Hình thức quy hoạch phân tán.

Chùa Cổ Pháp thuộc Thôn Đông, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của bà con phật tử, thiện nam, tín nữ, nhân dân địa phương. Chùa tọa lạc bên cạnh đường liên thôn, cổng tam quan với hình thức kiến trúc đơn giản, mái lợp cỏ tranh, hệ khung bằng gỗ theo con đường lát gạch dẫn ta vào chùa… Do biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử nên chùa đã bị xuống cấp trầm trọng. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Phật tử và nhân dân địa phương, được sự cho phép của chính quyền địa phương cũng như của BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh, Ban kiến thiết, xây dựng chùa cùng sư thầy trụ trì và nhân dân địa phương tổ chức lễ động thổ xây dựng chùa Cổ Pháp.

Công trình xây dựng chùa Cổ Pháp được làm bằng gỗ với kiến trúc nội công, ngoại quốc, tổng kinh phí xây dựng khoảng 30 tỷ đồng. Công trình bao gồm khu chính điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà khách… và các công trình phụ trợ khác.

Kết luận

– Chùa Việt như một kiến trúc văn hóa bản địa nhưng nó không gắn liến với thời kỳ nguyên thủy xa xưa mà trải qua những biến động tiệm tính trong dòng chảy của lịch sử  để dần dần có thêm tín ngưỡng thờ Phật  trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã người Việt .Thời gian trôi đi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn khóc của chiến tranh và cả sự thờ ơ, thậm chí cả sự triệt phá con người đã làm cho nhiều ngôi chùa không còn tồn tại. Đặc điểm và giá trị kiến trúc của Đình làng Việt Nam cả 3 miền Bắc –  Trung – Nam rất đặc sắc, biến đổi theo từng vùng nhưng các giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc ở Đình làng là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, cần được bảo vệ giữ gìn, phát huy giá trị và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

– Kiến trúc Chùa Việt truyền thống  đã khẳng định những giá trị brn sắc văn hóa, nhữn ggias trị đa dạng kéo dài qua các giai đọan lịch sử, từ thời Lý- Trần- Lê. Mặc dù có những biến đổi những vẫn bảo tồn những giá trị cốt lõi

– Kiến trúc chùa Việt đương đại cần xác định các giá trị cơ bản, các thành phần cố định của kiến trúc Chùa nói chung và chùa Việt nói riêng, đồng thời cần bảo tồn các giá trị  truyền thống của kiến trúc chùa Việt, đó là hệ tỷ lệ, các hình thức kiến trúc, hoa văn…

– Kiến trúc chùa Việt đương đại cần đáp ứng các nhu cầu mới về quy mô, tính ổn định bền vững của hệ kết csu, vật liệu. các giải pháp kiến trúc tùy theo vị trí địa điểm , tùy theo quy mô sẽ xác định các giải pháp phù hợp thích ứng

Kiến nghị

Đối với công tác Quản lý Bảo tồn và phát huy giá trị di tích

– Lập hồ sơ xếp hạng đối với các di tích Chùa cấp quốc gia, cấp thành phố để có cơ sở bố trí kinh phí trùng tu di tích.

– Đề nghị UBND  có kế hoạch triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích chùa để chống xuống cấp và phát huy giá trị sử dụng.

– Tiến hành kiểm kê, đánh giá lại giá trị của các di tích Chùa, triển khai cấm mốc giới, bảo vệ và tu sửa di tích.

– Tiến hành khảo sát, xây dựng các bản vẽ kỹ thuật và lập danh mục các công trình kiến trúc Chùa truyền thống để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

– Phổ biến, giới thiệu, quảng bá cho học sinh, sinh viên và du khách trong và ngoài nước biết để tham quan góp phần gắn phát triển du lịch với văn hóa.

– Ban hành các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực từ xã hội để trùng tu tôn tạo và giữ gìn di tích chùa cũ cũng như đóng góp xây dựng chùa mới .

– Gắn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa với việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng làng văn hóa, phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực. Khuyến khích nhân dân và học sinh các Trường học ở địa phương tham gia giữ gìn di tích.

– Có chính sách vinh danh đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí trùng tu tôn tạo các di tích chùa.

– Nâng cao vai trò cộng đồng trong quá trình thực hiện bảo tồn, trùng tu các di tích chùa, cũng như viêc khai thác tiềm năng du lich ở lĩnh vực này .

Đối với công tác Tư vấn xây dựng chùa Việt đương đại

Thiết kế cải tạo hay xây mới chùa Việt là một công tác thiết kế mang tính chuyên môn cao đòi hỏi các nhà Tư vấn phải có năng lực thực sự , chứng chỉ hành nghề và chuyên gia có năng lực.

Việc tue vấn cải tạo hay xây dựng mới đòi hỏi Tư vấn phải có công tác điều tra hiện trạng, khảo sát vị trí địa điểm, phỏng vấn cộng đồng để có những giải pháp thực sự bền vững.

Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2016 

                                                                                             Ths. Kts. Tạ Thị Yến